Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Lý giải các hiện tượng dị thường (ma quỷ, cầu hồn, tiên tri, tìm mộ...)

Nguồn: http://linkhay.com/note3962723/ly-giai-cac-hien-tuong-di-thuong-ma-quy-cau-hon-tien-tri-tim-mo
Nhân bàn về chuyện ngoại cảm, mời các bạn theo dõi bài phỏng vấn của báo VieTimes.com với Nhà nghiên cứu - Đại tá, tiến sĩ Đỗ Kiên Cường; người được mệnh danh là Chiến binh “quét sạch” ngoại cảm giả danh!
Bài Phỏng vấn hơi dài nhưng đã đưa ra một góc nhìn rất khoa học về các hiện tượng dị thường (ma quỷ, xuất hồn, thoát xác...) rất đáng để đọc.

Mình gởi link này luôn, để rộng đường cho mọi người hay: http://linkhay.com/ly-giai-cac-hien-tuong-di-thuong-ma-quy-cau-hon-tien-tri-tim-mo/500852
.......................................................................................
Phóng viên (PV): Ông theo dõi loạt bài về ngoại cảm trên VieTimes từ đầu?
Ông Đỗ Kiên Cường (ĐKC): Tôi đọc VieTimes sau khi đọc bài Không được lạm dụng “thánh thần”. Và tôi rất nhất trí với quan điểm của báo.

PV: Là người nghiên cứu chuyên sâu, xin ông cung cấp cho độc giả cái nhìn khái quát về tình hình nghiên cứu ngoại cảm trên thế giới và tại Việt Nam..
ĐKC: Việc nghiên cứu ngoại cảm một cách khoa học được bắt đầu từ 1882 tại Anh, khi Hội nghiên cứu tâm linh (Psychical Society) đầu tiên trên thế giới được thành lập.

PV: Xin lỗi vì ngắt lời ông. Về thuật ngữ, hình như không có sự phù hợp giữa tiếng Việt và tiếng Anh?
ĐKC: Đúng vậy. Trong tiếng Anh có hai thuật ngữ là duy linh luận (spiritualism) và thông linh luận (spiritism). Chúng thường được đánh đồng với nhau. Duy linh luận là niềm tin tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết. Và chúng ta có thể liên lạc với người chết qua giới đồng cốt. Về mặt khoa học, đây là quan điểm sai lầm.
Liên quan với các hiện tượng lạ, tiếng Anh dùng thuật ngữ psychical, cũng được dịch ra tiếng Việt là tâm linh. Nó nghiên cứu ngoại cảm, viễn di tâm học (như làm cong thìa bằng ý nghĩ chẳng hạn), hiện tượng “ma” ám, “ma” quấy rối (poltergeist) và cảm xạ.

PV: Đó là những thuật ngữ chuyên môn thuần túy, bạn đọc dễ bị rối…
ĐKC: Vì thế không nên dùng thuật ngữ tâm linh khi bàn về các hiện tượng lạ. Theo tôi khi nói về sự tồn tại sau cái chết, nên dùng thuật ngữ duy linh. Khi nói về ngoại cảm, nên dùng thuật ngữ lạ hay dị thường. Cuối cùng, nên dùng thuật ngữ tinh thần thay cho tâm linh. Chẳng hạn, nên viết “đời sống tinh thần” thay cho “đời sống tâm linh”.
Xin quay lại việc nghiên cứu ngoại cảm trên thế giới. Đầu tiên giới nghiên cứu tập hợp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi phân tích chúng. Và nghịch lý nhanh chóng xuất hiện: càng nghiên cứu cẩn thận càng thấy rằng, không thể dùng chúng như những bằng chứng khoa học.

PV: Vì sao vậy, thưa ông?
ĐKC: Vì thông tin trên báo chí dựa trên lời kể. Cần lưu ý rằng, nhận thức của chúng ta do sở nguyện và kỳ vọng chi phối; còn ký ức, nhất là về các sự kiện lạ thường, thường không chính xác. Khi ta nghĩ một sự kiện là dị thường, ta chỉ nhớ những gì khẳng định tính dị thường, mà quên mọi thông tin về tính không dị thường của nó. Vì thế khi đọc các bài viết về ngoại cảm trên một số tờ báo ở nước ta thời gian vừa qua, ta chỉ thấy thông tin ủng hộ, mà không thấy thông tin phản bác, vì chúng không được ghi nhớ. 

PV: Vậy có thể khắc phục nhược điểm đó như thế nào?
ĐKC: Đưa ngoại cảm vào các phòng thí nghiệm. Nửa đầu thế kỷ 20, người ta dùng các phương pháp khá thô sơ (như đoán ý nghĩ một người đang lật các quân bài). Sau đó là các phương pháp tinh xảo hơn như dùng máy phát màu tự động để nghiên cứu tiên tri những năm 1970 (máy tự động phát ánh sáng một trong bốn màu, nhà ngoại cảm phải đoán màu trước khi ấn nút phát) hay thí nghiệm Ganzfeld để nghiên cứu thần giao cách cảm những năm 1980 (một nhà ngoại cảm lần lượt xem bốn bức tranh rồi gửi ý nghĩ cho một nhà ngoại cảm khác ở căn phòng bên cạnh; người này có nhiệm vụ tìm ra chúng trong số những bức tranh trong phòng).

PV: Kết quả các thí nghiệm đó thế nào, thưa ông?
ĐKC: Thất vọng. Đoán ý nghĩ người lật bài không thể xem là khoa học, vì nhà ngoại cảm có thể đọc ngôn ngữ cơ thể (hiệu ứng Hans thông minh). Còn các thí nghiệm về tiên tri hay thần giao cách cảm chỉ đạt tỉ lệ thành công khoảng 33-35%, dù giới ngoại cảm học đã rất kiên trì (trong thí nghiệm tiên tri, các nhà ngoại cảm đã bấm nút máy phát hơn một triệu lần!).

PV: Nhưng 35% cũng đã lớn hơn tỉ lệ ngẫu nhiên 25%, cho thấy tiên tri có thật ?
ĐKC: Ban đầu cũng có ý kiến như vậy. Nhưng khi khảo sát cụ thể hơn, người ta thấy một người thiết kế thí nghiệm lại tham gia thí nghiệm và đóng góp 2/3 số kết quả thành công. Vì thế kết quả nghiên cứu không được thừa nhận.

PV: Sau đó thì sao ?
ĐKC: Hai thập kỷ nay, giới ngoại cảm học không đưa ra được một phương pháp nghiên cứu mới nào. Gần đây giới khoa học ít quan tâm đến các hiện tượng dị thường nói chung, ngoại cảm nói riêng so với trước đây. Có thể họ đã thất vọng.

PV: Vậy họ làm gì, thưa ông ?
ĐKC: Để khuyến khích giới ngoại cảm, nhiều tổ chức và cá nhân đã treo các giải thưởng rất có giá trị cho bất cứ nhà ngoại cảm nào thành công trong một thí nghiệm được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn sự truyền tin qua năm giác quan. Sự ngăn chặn như thế là cần thiết, vì ngoại cảm là sự cảm nhận phi ngũ quan.
Hiện Quĩ James Randi (ảo thuật gia Mỹ, đồng sáng lập Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường CSICOP, có công phát hiện khả năng “nhìn cong thìa” của nhà ngoại cảm lừng danh Yuri Geller chỉ là trò ảo thuật) treo giải 1 triệu đôla Mỹ.
Các Tổ chức nghi ngờ tại Mỹ, Pháp, Úc, Canada… treo giải 200 ngàn euro/nước. Ngoài ra cũng phải kể thêm sồ tiền thưởng 50 triệu đôla của chính phủ Mỹ cho bất cứ ai giúp tìm ra trùm khủng bố Bin Laden. Không ai cấm các nhà ngoại cảm giành được khoản tiền lớn này, nếu họ thực sự có khả năng.

PV: Đã có nhà ngoại cảm nào nhận được tiền chưa ?
ĐKC: Khoảng vài chục nhà ngoại cảm đã tham gia nhưng đều thất bại. Giải thưởng vẫn chờ được trao.

PV: Quay trở lại Việt Nam, ông nghĩ sao về những nghiên cứu dùng ngoại cảm tìm mộ thời gian vừa qua ?
ĐKC: Tôi không thể ngạc nhiên hơn được nữa.

PV: Ngạc nhiên? Như thế nào và tại sao ?
ĐKC: Khoảng 10 năm trước, khi thấy một nghiên cứu kết luận rằng nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên đạt tỉ lệ thành công 70% khi tìm mộ, tôi rất ngạc nhiên, vì tôi vốn không tin ngoại cảm. Nhưng tôi bị thuyết phục khi biết có cả tổ chức khoa học hình sự nhà nước tham gia nghiên cứu. Tôi từng viết bài đăng báo cố gắng giải thích “khả năng” của ông Nguyễn Văn Liên. Tuy nhiên khi trực tiếp đọc báo cáo tổng kết, tôi hoàn toàn thất vọng.

PV: Điều gì làm ông thay đổi thái độ như thế ?
ĐKC: Có nhiều nguyên nhân. Trong đó quan trọng nhất là không ai trong nhóm tác giả có kiến thức cần thiết về ngoại cảm. Tôi khẳng định như vậy vì sau đó tôi đã gặp giám đốc một trung tâm nghiên cứu chuyên về tiềm năng con người, còn viện phó một viện nghiên cứu thì nhờ tôi tìm tài liệu. Chính vì thiếu kiến thức chuyên ngành nên họ không thiết kế được thí nghiệm có kiểm soát và bị nhà ngoại cảm “làm xiếc”.

PV: Nhưng tỉ lệ thành công 70% cho thấy ông Nguyễn Văn Liên đã giúp được nhiều gia đình tìm được hài cốt người thân ?
ĐKC: Con số đó không đáng tin vì nó thu được dựa trên cái gọi là thử nghiệm tại hiện trường (field test). Trong các hiện tượng lạ, thử nghiệm tại hiện trường luôn thành công, trong khi thử nghiệm có kiểm soát luôn thất bại.
Thử nghiệm tại hiện trường là phương pháp thấy sao ghi vậy, nên không kiểm soát được các kênh cảm giác. Vì thế nhà ngoại cảm có thể nhận được nhiều chỉ dẫn cảm giác từ xung quanh. Chẳng hạn trong cảm xạ học, nhà ngoại cảm có thể tìm được nước ngầm do các chỉ dẫn hay ám hiệu địa hình (đất ẩm ướt, cây cỏ xanh tươi hơn…). Khi xóa hết các ám hiệu, khả năng giảm xuống bằng với tìm kiếm ngẫu nhiên (tức đoán mò). Ngoại cảm tìm mộ cũng vậy, khi đến nơi chôn cất liệt sĩ (thông tin này có thể thu được từ dồng đội, chính quyền địa phương…), thấy một nơi cây cỏ xanh tươi hơn, bên dưới nhiều khả năng có cốt. 

PV: Đó là về ông Nguyễn Văn Liên và bà Năm Nghĩa. Nhưng nhiều nhà ngoại cảm khác đã được nghiên cứu và được tặng thường, như được tặng gương Huyền Thông của Liên hiện khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA. Ông nghĩ sao về việc này ?
ĐKC: Khi thấy bộ môn cận tâm lý của một trung tâm nghiên cứu khẳng định cô đồng Phương - Thanh Hóa có khả năng gọi vong người chết, tôi nghĩ ngay là họ thiếu kiến thức. Tuy nhiên chỉ đến khi đọc bài trả lời phỏng vấn VieTimes của ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA, tôi mới biết cụ thể sự thiếu kiến thức đó là như thế nào.
Khi đọc bài Khi “ngoại cảm” chiếu yêu… khoa học, tôi thấy ông Vũ Thế Khanh hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì. Hệ quả là ông không biết bố trí các thực nghiệm đúng cách. Vì thế mọi nghiên cứu và kết luận với sự tham gia của ông Vũ Thế Khanh và UIA đều mắc sai lầm nghiêm trọng trong quan niệm và trong phương pháp. Cần bác bỏ chúng.
Xin nhấn mạnh rằng, những nghiên cứu đó rất nguy hại đối với xã hội vì góp phần phổ biến sự mê tín và các quan niệm phản khoa học. Một người bạn kể với tôi rằng, khi được hỏi tại sao lại tin “ngoại cảm tìm mộ”, người anh trai trả lời là mấy viện nghiên cứu đã khẳng định thì phải tin chứ.

PV: Mấy viện nghiên cứu với rất nhiều nhà khoa học danh tiếng… Vậy điều gì quyết định sự đúng sai ?
ĐKC: Cái quyết định sự đúng sai là bằng chứng khách quan. Nhà thiên văn Carl Sagan, cha đẻ Chương trình tìm kiến nền văn minh ngoài trái đất SETI (bằng cách theo dõi sóng điện từ liên hành tinh) từng đặt ra tiêu chuẩn: Tuyên bố dị thường đòi hỏi chứng cớ dị thường. Ngoại cảm tìm mộ hay lúa nhân điện (trồng lúa không dùng phân bón và thuốc trừ sâu, chỉ cần nhà nhân điện mỗi tuần đến nhìn ruộng vài lần mà lúa tốt bời bời!) là những tuyên bố dị thường. Tuy nhiên bằng chứng về chúng thì rất sơ sài và kém thuyết phục. Vậy theo tiêu chuẩn Sagan thì ngoại cảm tìm mộ hoàn toàn không đáng tin.
Cần nhấn mạnh thêm rằng, kiến thức là quan trọng, nhưng quan điểm khoa học quan trọng hơn . Khi nghiên cứu ngựa Hans, một hội đồng chuyên môn gồm nhiều nhà khoa học tên tuổi thất bại, chỉ vì họ “muốn tin”. Trong khi đó chàng sinh viên Pfungst mới ra trường (học trò của vị giáo sư tham gia hội đồng) thành công vì quan niệm đúng (ngựa thì không biết làm toán!). Tương tự, phóng viên VieTimes hay phóng viên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tuy kiến thức có thể không bằng các nhà khoa học UIA, nhưng khám phá được sự thật vì có quan niệm đúng đắn (không có linh hồn).

PV: Vậy tại sao các nhà khoa học đó muốn tin và tại sao các nhà ngoại cảm tiếp tục thuyết phục chúng ta rằng, khả năng của họ không phải là sự lừa gạt ?
ĐKC: Với một số nhà khoa học không màng danh lợi, họ muốn tin vì bản chất của con người là như vậy (con người tiến hóa để tin các hiện tượng lạ có thật). Với số còn lại thì là chuyện danh lợi. Tôi được biết, mấy năm trước “gạo nhân điện” được bán 10.000 đ/kg, gấp đôi mức thông thường, mà bao nhiêu cũng hết! Ngoại cảm tìm mộ cũng vậy.

PV: Ông đã đọc bài Gửi các nhà “ngoại cảm” giả danh! chưa? Xin ông cho biết ý kiến về những yêu cầu mà cũng là thách thức của bạn đọc đối với các nhà ngoại cảm.
ĐKC: Tôi đã đọc và thấy bạn đọc rất sáng suốt. Những thách thức đó thì tự cổ chí kim, từ đông sang tây, không một nhà ngoại cảm giả danh và không giả danh nào làm được. Tôi xin khẳng định như vậy với tư cách một người đã gần 30 năm nghiên cứu vật lý y sinh học và các hiện tượng dị thường, trong đó có ngoại cảm.
Xin lưu ý một vấn đề. “Ngoại cảm giả danh” thì không nói làm gì, vì đó là sự giả danh. Tuy nhiên ngay cả ngoại cảm không giả danh cũng bất lực trước các thách thức mà bạn đọc đã nêu. Trong các bài viết của mình, tôi viết về ngoại cảm không giả danh. Và như đã trình bày, ngoại cảm là không đáng tin, vì không vượt qua được các thử nghiệm có kiểm soát.

PV: Hãy giả định một tình huống là tuy được cung cấp đầy đủ thông tin mà nhiều người vẫn tin ngoại cảm. Khi đó ông nói gì ?
ĐKC: Tôi không nói gì cả. Và tôi dẫn Blackmore. Từng xuất hồn và sau hơn 30 năm nghiên cứu thoát xác cùng nhiều hiện tượng lạ khác, nữ tâm lý gia Susan Blackmore đưa ra định luật Blackmore thứ nhất: “Khát vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”. Đó là bản chất con người. Tuy nhiên tôi phản đối mọi sự tuyên truyền hay trục lợi từ ngoại cảm và các hiện tượng lạ khác.

PV: Cuối cùng ông muốn gửi lời nhắn gì tới giới ngoại cảm nước nhà, kể cả giả danh và không giả danh ?
ĐKC: Tôi muốn nhắn rằng, nếu có khả năng thực sự, xin đừng kiếm những khoản tiền còm từ người dân nghèo và thiếu hiểu biết trong nước nữa. Hãy tìm kiếm vinh quang và tiền bạc từ chính phủ Mỹ, Quĩ James Randi, cũng như từ nhiều tổ chức và cá nhân khác trên toàn thế giới.

PV: Thật là một đề nghị trị giá hơn 50 triệu đô la Mỹ! Tôi nghĩ là không một nhà ngoại cảm có khả năng thực sự nào cầm lòng được. Xin cảm ơn ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét