Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

THẾ HỆ TRẺ BÂY GIỜ KHÔNG CÒN YÊU TỔ QUỐC?
"Thế hệ trẻ bây giờ không còn yêu Tổ quốc?" 

Đó là tít của một bài báo trong nước. Tôi giật mình. Dán mắt đọc kỹ bài báo đó, tôi tự kiểm nghiệm lại bản thân và bạn bè. Tôi vui, tôi tự hào vì ai đó không còn yêu Tổ quốc chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Còn chúng tôi - thế hệ trẻ, Tổ quốc đối với chúng tôi là một điều vô cùng thiêng liêng cao cả, tình yêu Tổ quốc là tình yêu đẹp đẽ nhất, là tình yêu của mọi tình yêu.


Tổ quốc là gì? Hai tiếng Tổ quốc rung lên trong tim chúng ta nghe to tát và lớn lao lắm. Thực ra Tổ quốc được lí giải rất đơn giản đó là đất mẹ, là mảnh đất của cha. Tổ quốc chính là đất nước mình được gọi lên một cách trân trọng , thân thương. "Tổ quốc của tôi" cất lên đầy trìu mến như "mẹ của tôi" hay "cha của tôi" hay chính là "quê hương của tôi"... Tổ quốc vang vọng trong câu ca hùng tráng, Tổ quốc nằm gọn trong trái tim con người.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết:

Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Khái niệm quê hương trong thời đại này càng ngày càng lớn hơn và có thể nói đến quê hương chính là Tổ quốc. Tổ quốc nếu ai không yêu không nhớ sẽ không lớn nổi thành người. Tình yêu Tổ quốc là gì mà khi lớn lên ai cũng yêu, ai cũng nhớ?

Tổ quốc là câu hát ru ầu ơ của mẹ. Cánh cò trắng muốt lượn lờ trên cánh đồng vàng mùa gặt, có cánh diều chao nghiêng trên cánh gió thổi vi vu, bé nằm ngủ, bình yên. Bé không hiểu hết những giá trị trong câu hát, bé không thấy hết được khung trời lớn lao và góc sân nhà bé như thế nào. Nhưng trong lời ru ngọt ngào của mẹ, bé từng ngày uống dòng sữa quê hương, tình yêu Tổ quốc.


Cô bé bắt đầu biết làm việc nhà. Cô biết quét nhà, biết dọn đồ chơi trong căn phòng bé nhỏ của mình. Và khi đó cô cũng bắt đầu biết rót cho mẹ một ly nước khi mẹ đi làm về, khi thấy mồ hôi mặn chát của mẹ nhỏ xuống.

Cô bé biết ôm lấy mẹ khi giọt nước mắt buồn bã của mẹ rơi. Cô không biết công việc của mẹ vất vả như thế nào nhưng cô biết một cốc nước mát sẽ làm tan đi những vất vả lo âu trong lòng mẹ. Cái ôm bé con của cô có thể làm dịu những nỗi đau không giọt nước mắt nào đếm đủ. Cô bé yêu mẹ, yêu cả những nỗi vất vả, nỗi đau và cả những niềm vui của mẹ nhiều lắm.

Bố xem tivi, bố cứ chau mày, nhăn mặt, chốc chốc hét lên mấy tiếng "dô dô", lâu lâu nhảy dựng khỏi ghế cười ha ha. Thấy bố vui, bé cũng vui lây. Vì sao bố lại vui như thế, là vì bố đang xem bóng đá giữa hai đội Việt Nam và Thái Lan đấy mà. Việt Nam thắng thì bố sẽ cho cô bé và em cu đi chơi, Việt Nam thua thì đành ở nhà vậy. Bố bảo Việt Nam đá không hay nhưng vẫn cổ vũ vì đó là nước mình mà. Từ đó hễ có đội "nước mình" thi đấu, cô bé cũng sẽ xem. Dù cô không hiểu chút gì về mấy người mặc quần đùi cùng chạy loanh quanh cướp một quả bóng. Ngẫm lại thì đó cũng là một tình yêu "nước mình" của cô bé.

Một chiếc áo dài trắng, thướt tha, chị cô đem ra ngắm hàng ngày và mặc mỗi sáng thứ hai đi học. Chị cô thật đẹp trong chiếc áo dài ấy. Chị cô bảo: Đấy là trang phục truyền thống của nước ta, sau này lớn em cũng sẽ được mặc thôi! Thế là cô bé mong mình lớn thật nhanh trở thành một thiếu nữ tươi tắn, duyên dáng trong chiếc áo dài. Cô luôn mơ một ngày trang phục truyền thống Việt Nam sẽ cùng cô tung bay đến những đất nước khác khoe bộ áo dài Việt Nam. Cô tự hào...

Bài học về những con người ngày đêm âm thầm lặng lẽ làm đẹp xã hội hằng ngày gợi lên trong lòng cô gái khi trông thấy những cô chú lao công quét rác trên hè phố. Họ làm việc không ngơi nghỉ, tiếp xúc với những gì người khác vứt đi. Cô học trong sách, đọc trong vở nhưng nhìn tận mắt cô mới thấy sự vất vả không từ ngữ nào diễn tả hết. Bỗng trước mặt cô, một ai đó vừa vứt giấy kẹo ra đường, cô cúi xuống, nhặt lấy và bỏ vào thùng...


Hành động của cô thật không đáng gì so với đóng góp của những con người cắm cúi với công việc kia nhưng cũng thật đáng trân trọng. Bởi cô vừa giúp những con người kia đỡ vất vả hơn, và có lẽ nếu ai trong số những người lao công kia trông thấy hành động của cô, lòng họ cũng đang ấm dần lên. Họ biết rằng, trong xã hội tấp nập không ai để ý đến ai này, thì vẫn có những con người trẻ sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Cô gái thấy Tổ quốc mình đang online trên Internet. Những diễn đàn tấp nập cờ Việt Nam, đỏ chói những themes nổi bật, những con người ảo với những cái tên ảo đang tranh luận với nhau về những câu chuyện có thật của thế hệ trẻ 8X, 9X, thế hệ @ nữa...

Xã hội ảo, cộng đồng ảo đang lên tiếng về đảo Hoàng Sa của nước ta, lên tiếng về vụ bạo hành trẻ em ở Bình Dương. Những blog màu sắc, chứa đựng cá tính của bloger từ trẻ đến già, từ những giáo sư đến học sinh, từ đại biểu quốc hội đến những người dân bình thường nhất. Người ta đã thống kê rằng, cứ mười blog thì có khoảng bốn blog nói về chuyện xã hội, chuyện chính trị. Và những bloger đó đã dùng một từ đó là "nói chuyện Việt Nam". Cả Tổ quốc vẫn đang online và enter theo những bước nhảy của xã hội.

Rồi cất tất cả mọi phiền muộn lo âu sang một bên, cô gái đưa mắt ra khung cửa sổ bé nhỏ, một bên là giỏ cây cũng nho nhỏ xinh xinh mà ngày nào cô cũng tưới tắm cho nó. Mặt trời bắt đầu lấp ló chui ra từ những nóc nhà chót vót, ánh nắng chảy tràn lên những bức tường, đổ xuống con đường nhộn nhịp, le lói sau tán cây, lấp lánh nhảy nhót. Nhìn xuống hè phố cô bắt gặp một ánh mắt ngại ngùng đang nhìn cô của một cậu con trai.

Cô bỗng thấy mình đẹp lên trong mắt mọi người, tươi tắn cùng mặt trời. Và cô yêu cái giỏ hoa treo bên cửa sổ, yêu cái ngõ xóm, con đường đi qua nhà cô, yêu cả ánh mặt trời ngày ngày cùng cô thức dậy, yêu ánh mắt ai đó khẽ trộm nhìn... Cô yêu quê hương vô cùng.


I-li-a Ê-ren-bua đã viết trong một tác phẩm của mình rằng: Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất (...). Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc. Có thể nào khác chăng, Tổ quốc là mồ hôi mẹ, là niềm vui chiến thắng bóng đá của cha, là vẻ đẹp của chị trong chiếc áo dài, là thấy một mảnh rác và bỏ vào thùng, là một cú click chuột, là một cảm xúc tươi mới của một ngày... là tất cả tất cả những gì ta yêu và ta hát lên bài ca Tổ quốc mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét